KỲ VỌNG CUỘC SỐNG ĐÊM Ở TP. HỒ CHÍ MINH SẼ "LỘT XÁC" VỚI TRỤC KHÔNG GIAN MỚI

Theo bản đề án được quận 1 đề xuất, cuộc sống đêm tại khu trung tâm thành phố được kỳ vọng sẽ rực rỡ với nhiều hoạt động sôi nổi, không gian đặc sắc từ bến sông cho đến các tuyến đường.

Sở Công Thương TPHCM vừa có ý kiến gửi UBND thành phố đối với đề án Định hướng một số giải pháp phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận 1. Với bản đề án này, quận trung tâm thành phố được kỳ vọng sẽ rực rỡ về đêm với nhiều hoạt động văn hóa, thương mại cùng các điểm đến đậm bản sắc.

Trong đó, UBND quận 1 định hướng một số giải pháp phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn theo mô hình 3 trục động lực và 6 cụm chức năng.

Cụ thể, trục văn hóa - thương mại - tinh hoa Sài Gòn, nằm tại các trục đường chính là Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi, mở rộng về đường Hàm Nghi và kéo dài ra đường Công Xã Paris (từ đường Lê Duẩn đến Nguyễn Du), Phạm Ngọc Thạch (từ vòng xoay Công trường Quốc tế đến Nhà thờ Đức Bà).


Đường Nguyễn Huệ là một trong các tuyến đường được đề xuất hình thành trục văn hóa - thương mại - tinh hoa Sài Gòn (Ảnh: Hoàng Giám)

Đây sẽ là nơi bố trí không gian biểu tượng, tập trung hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội đường phố, quảng bá, xúc tiến thương mại, du lịch, dịch vụ, triển lãm sáng tạo, đổi mới, khoa học công nghệ....

Trục văn hóa - thương mại - tinh hoa Sài Gòn đóng vai trò kiến tạo bản sắc và xây dựng hình ảnh quốc tế cho kinh tế ban đêm tại quận 1. Nơi đây được kỳ vọng sẽ thu hút khách du lịch quốc tế, cũng như người dân tận hưởng tinh hoa đô thị của quận 1 vào ban đêm.

Trục xanh - thổi hồn đô thị, được bố trí từ Công viên 23/9, kéo dài ra hướng Lê Lai - Nguyễn Trãi (cụm sống đô thị). Trục này cũng nằm trên hướng đường Bùi Viện - Trần Hưng Đạo (cụm cuộc sống đêm).

Phố Bùi Viện sẽ thuộc cụm cuộc sống đêm thuộc trục xanh - thổi hồn đô thị trong tương lai (Ảnh: Hải Long)

Trục xanh - thổi hồn đô thị là không gian kết nối cộng đồng, tập trung hoạt động văn hóa, nghệ thuật, xúc tiến thương mại, du lịch, thể dục, thể thao, ẩm thực, khu vực hàng rong, trình diễn ánh sáng. Đây là các hoạt động gắn liền với đời sống, cảm xúc đô thị của TPHCM cũng như quận 1, tăng tính giao lưu văn hóa vùng miền.

Trục ven mặt nước - dòng chảy thời đại, gồm toàn bộ Công viên Bến Bạch Đằng (từ Cột cờ Thủ Ngữ đến Cầu Ba Son), kết nối đến trục đường Thái Văn Lung - Nguyễn Siêu.

Trục ven mặt nước - dòng chảy thời đại, gồm toàn bộ Công viên Bến Bạch Đằng (Ảnh: Trần Đạt)

Khu vực này sẽ tổ chức không gian trên bến - dưới thuyền, tập trung hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội đường phố, quảng bá, xúc tiến thương mại, du lịch, dịch vụ gắn liền với không gian và đời sống sông nước của TPHCM và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.Ngoài ra, quận 1 cũng nghiên cứu để bố trí 6 cụm chức năng là cụm di sản, cụm thương mại, cụm cuộc sống đêm, cụm đời sống đô thị, cụm thư giãn, cụm ven mặt nước.

Nhận xét về bản đề án này, Sở Công Thương cho biết, các sở, ngành đã cơ bản thống nhất định hướng của UBND quận 1 về mô hình 3 trục động lực và 6 cụm chức năng. Đề án phù hợp định hướng phát triển kinh tế ban đêm của thành phố, sẽ khai thác được tiềm năng, thế mạnh của quận 1.

Do đó, Sở Công Thương trình UBND TPHCM xem xét, chấp thuận chủ trương triển khai đề án định hướng một số giải pháp phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận 1 theo đề xuất.

Trong quá trình triển khai, quận 1 cần rà soát, đối chiếu các quy định pháp luật hiện hành, đảm bảo việc triển khai thực hiện các nội dung, hạng mục đề án đúng quy định.

Ngoài ra, quận cần thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm; không để phát sinh tình trạng tái chiếm vỉa hè, kinh doanh không đảm bảo các quy định pháp luật hiện hành; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, phát triển các hoạt động kinh tế ban đêm.

Theo Dantri

Bản Tin Novaland
Brochure Công ty
Download Brochure mới nhất của Novaland để hiểu rõ hơn về chúng tôi