Đầu tư BĐS nghỉ dưỡng: Cần nhanh tay, lẹ mắt

Chỉ tính riêng 5 dự án BĐS có vốn FDI lớn nhất 6 tháng đầu năm 2014, BĐS nghỉ dưỡng có 2 dự án với tổng vốn lên tới gần 400 triệu USD, cho thấy tiềm năng dành cho phân khúc này vẫn được nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao. Tuy nhiên, để làm ăn được ở phân khúc này, nhà đầu tư không thể ngồi chờ sung rụng.

Sáng le lói

Theo ông Robert Mclntosh, Giám đốc điều hành CBRE hotels Châu Á - Thái Bình Dương, từ những tháng cuối năm 2013 cho tới nay, Việt Nam chứng kiến nhiều dự án đầu tư lớn vào lĩnh vực khách sạn - nghỉ dưỡng. Những dự án này trải dài khắp từ Bắc tới Nam, với số vốn đầu tư đăng ký từ hàng chục triệu cho tới hàng trăm triệu USD. Điều này cho thấy dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, nhà đầu tư nước ngoài đang ngày càng bị thu hút bởi các cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Điểm sáng về phân khúc này chắc chắn thuộc về Đà Nẵng. Những con số không ngừng tăng về lượng khách quốc tế, chuyến bay, doanh thu phòng khách sạn trong quý I-2014 đã cho thấy Đà Nẵng đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành một thành phố du lịch đúng nghĩa. Ngoài ra còn có thể kể đến tỉnh Khánh Hòa. Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm, tỉnh này đã sở hữu 2 khu nghỉ dưỡng có số vốn FDI khủng là Alma 300 triệu USD và Flowers 89 triệu USD.


Khu nghỉ dưỡng và spa Hyatt Regency Đà Nẵng

Tuy nhiên, những tín hiệu vui trên chưa thể khiến nhiều người quên đi bức tranh u ám phân khúc này phải gánh chịu trong nhiều năm qua. Không khó để thấy rằng du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam mới chỉ trông chờ vào vốn tự có. Đó là tiềm năng du lịch, đặc biệt là đường bờ biển dài với những bãi biển đẹp, ngoài ra những yếu tố khác để có thể giúp phân khúc này cất cánh lại chưa được chú trọng.

Hậu quả của giai đoạn dài chỉ tập trung khai thác là hàng ngàn km đường bờ biển đã bị băm nát bởi các dự án nghỉ dưỡng, trong đó một lượng lớn dự án hiện nay vẫn còn hoang tàn, đắp chiếu hoặc chấp nhận bị thu hồi. Tiềm năng du lịch lớn nhưng BĐS dành cho du lịch lại èo uột là nghịch lý dễ thấy của phân khúc này trong những năm qua.


Cần nhiều thứ để lột xác

Bên cạnh lý do quản lý yếu kém khiến việc thu hút FDI trở nên không thực chất, nhiều nhà đầu tư ngoại chủ yếu chỉ vào xí phần, không hề có thực lực, không thể phủ nhận những nguyên nhân nội tại trong nước. Một thống kê của CBRE Việt Nam giữa năm ngoái cho thấy chỉ vỏn vẹn 15% BĐS nghỉ dưỡng được bán cho người nước ngoài. Theo bà Ngô Thị Hương Giang, quản lý nghiên cứu của CBRE Việt Nam, những rào cản về chính sách đã khiến người nước ngoài chưa thuận tiện khi tới Việt Nam cũng như sở hữu một căn biệt thự ở đây.

Tuy nhiên, kể cả khi quy định về Việt kiều và người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam được tháo gỡ và sẽ trở nên thông thoáng hơn nếu được Quốc hội thông qua vào cuối năm nay, nhiều chuyên gia BĐS cũng không đặt nhiều kỳ vọng vào sự lột xác của phân khúc này. Theo GS. Đặng Hùng Võ, nhà đầu tư nước ngoài rất khôn ngoan, thận trọng và rất biết nương theo sự phát triển của du lịch cũng như nền kinh tế.

Chính vì vậy, muốn phát triển cần sự đầu tư, đồng bộ của nhiều lĩnh vực, không thể chỉ trông chờ vào nguồn vốn từ nước ngoài. Đồng tình với quan điểm này, một chuyên gia đến từ Cushman & Wakefield cũng cho rằng nhiều thành phố nên phân biệt rõ mục tiêu có trở thành “thành phố du lịch” hay không, tránh tình trạng đầu tư dàn trải nửa vời. Đặc biệt, sự minh bạch về thông tin, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư sẽ là điểm mấu chốt để thu hút nhà đầu tư quốc tế.

Bên cạnh đó, thị trường du lịch khách sạn và du lịch nghỉ dưỡng phụ thuộc khá nhiều vào sự phát triển của thị trường du lịch. Tuy nhiên, những khiếm khuyết về dịch vụ, hạ tầng bổ trợ cũng khiến lượng khách quay trở lại không cao.

Phân tích về điểm này, ông Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Du lịch Việt Nam, cho rằng để có thể phát triển được BĐS nghỉ dưỡng cần rất nhiều thứ khác, như hạ tầng, dịch vụ, những thứ thuộc về nội lực bên trong. Lấy thí dụ về một khu nghỉ dưỡng lớn ở Bà Rịa-Vũng Tàu, theo ông Thắng, dù được đầu tư đồng bộ, có sân golf, có casino, có nghỉ dưỡng nhưng hệ thống giao thông quá tệ khiến nhiều khách du lịch trở nên ngần ngại. “Một khu nghỉ dưỡng đẹp đến mấy mà đường giao thông đi lại khó khăn, bụi mù mịt, dịch vụ hỗ trợ xung quanh không có, chắc chắn không thể thu hút” - ông Thắng nhấn mạnh.

Mới đây nhất, trong chương trình quảng bá du lịch “Exciting VietNam”, ngành du lịch đã đặt ra nhiều kế hoạch tổng thể nhằm thu hút khách du lịch, trong đó có mục tiêu quan trọng là khắc phục và hoàn thiện những điểm yếu về dịch vụ, lưu trú, các phương tiện vận chuyển… Đây có lẽ sẽ là một trong những cơ hội cho BĐS nghỉ dưỡng để có thể nhận được những tín hiệu khởi sắc hơn trong thời gian tới.


Theo batdongsan.com.vn
Bản Tin Novaland
Brochure Công ty
Download Brochure mới nhất của Novaland để hiểu rõ hơn về chúng tôi