“Đánh thức” sông Đồng Nai

Việc lập phương án phát triển tuyến sông Đồng Nai đoạn qua địa bàn tỉnh để khai thác các tiềm năng về phát triển đô thị, giao thông, du lịch được xem như là bước khởi đầu để “đánh thức” sông Đồng Nai.

Theo quy hoạch, hành lang sông Đồng Nai là một trong những hành lang phát triển quan trọng nhất của tỉnh. Ảnh: P.TÙNG

Nhiều năm qua, dù được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển nhưng việc thiếu quy hoạch đồng bộ khiến cho những giá trị của sông Đồng Nai chưa được phát huy đúng mức.

Quy hoạch 5 phân đoạn phát triển

Trong phương án lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn Đồng Nai sẽ hình thành 6 hành lang và 3 vành đai phát triển. Trong đó, hành lang sông Đồng Nai được đánh giá là một trong những hành lang quan trọng nhất, bởi đây không chỉ là hành lang phát triển cảnh quan mà còn là hành lang phát triển kinh tế - xã hội.

Theo liên danh đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh, sở dĩ đánh giá hành lang sông Đồng Nai là hành lang phát triển quan trọng bậc nhất của tỉnh là vì sông Đồng Nai thuộc trục hàng hải quốc tế (nhóm 5), quy tụ nhiều tuyến đường thủy nội địa, luồng lạch ăn sâu vào đất liền. Mặt khác, trong suốt tuyến sông từ Bắc xuống Nam, sông Đồng Nai là trục cảnh quan đô thị, nông thôn, thiên nhiên, là nét chính của bố cục không gian tỉnh, đồng thời cũng là trục động lực phát triển tuyến đô thị năng động của vùng Đông Nam bộ.

Sông Đồng Nai cũng là trục thiên nhiên quan trọng để cung cấp nước, điều hòa khí hậu, phát triển năng lượng và chống biến đổi khí hậu. Đối với Đồng Nai, sông Đồng Nai còn là trục văn hóa tâm linh, lịch sử gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của tỉnh.

Với những giá trị và tiềm năng đó, trong phương án phát triển tuyến sông Đồng Nai đoạn qua địa bàn tỉnh, liên danh đơn vị tư vấn đã đề xuất phương án chia thành 5 phân đoạn để có quy hoạch khai thác phù hợp.

Đối với đoạn 1 có chiều dài khoảng 42km đi qua địa bàn 2 huyện Tân Phú và Định Quán, định hướng phát triển được đưa ra là tập trung phát triển lĩnh vực du lịch với các loại hình du lịch sinh thái, khám phá, bảo tồn cảnh quan tự nhiên… nhằm tận dụng các cảnh quan đẹp, đã có thương hiệu. Với thuận lợi nằm gần các thành phố lớn, việc ưu tiên phát triển du lịch sẽ có khả năng mang lại hiệu quả cao. Trong đoạn tuyến này, các thị trấn Tân Phú và Định Quán được đề xuất trở thành các đầu mối phát triển du lịch. 

Trong khi đó, hồ Trị An được đề xuất là đoạn 2 trong phương án phát triển tuyến sông Đồng Nai. Với diện tích mặt nước hơn 32 ngàn ha, cảnh quan và hệ sinh thái vùng nước đa dạng, khu vực này được hướng đến mục tiêu phát triển du lịch với các sản phẩm du lịch cao cấp phục vụ giải trí. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh cần tiếp tục xây dựng đề án Bảo tồn và phát triển du lịch hồ Trị An, đồng thời định hướng phát triển các thị trấn Vĩnh An và La Ngà trở thành những đầu mối phát triển du lịch.

Theo Sở NN-PTNT, việc quy hoạch phát triển tuyến sông Đồng Nai cần kết hợp hài hòa với các quy hoạch thoát nước, thủy lợi và lồng ghép với chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu.

Với đoạn 3, phía Tây H.Vĩnh Cửu, phương án được đề xuất là kết hợp phát triển du lịch gắn với các điểm tham quan Khu di tích lịch sử Chiến khu Đ, di tích Cù lao Rùa, vườn cây, núi Châu Thới và phát triển đô thị ven sông kết hợp với dải đô thị TP.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Đoạn sông Đồng Nai qua địa bàn TP.Biên Hòa và phía Bắc H.Long Thành được xác định là đoạn 4 trong phương án phát triển. Đoạn này sẽ được chia thành đoạn 4a - trung tâm TP.Biên Hòa và 4b - thuộc phía Nam TP.Biên Hòa và phía Bắc H.Long Thành. Đây là khu vực có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch đường sông, đô thị ven sông, mạng lưới công viên, cây xanh ven sông nhằm tạo cảnh quan, không gian đô thị.

Cuối cùng, khu vực H.Nhơn Trạch sẽ là đoạn 5 trong phương án phát triển tuyến sông Đồng Nai. Với khu vực này, du lịch và đô thị ven sông cũng là định hướng phát triển chính.

Phải kết nối được các loại hình giao thông

Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Thị Ngọc Loan cho rằng, sông Đồng Nai là tuyến sông đẹp, nhưng xét trên khía cạnh khai thác du lịch, đến nay việc khai thác các giá trị của sông Đồng Nai là chưa đáng kể. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là sự thiếu đồng bộ trong kết nối các loại hình giao thông, nhất là giao thông đường thủy. “Phát triển du lịch sông thì cũng không thể đi vòng hết sông mà không lên bờ. Tuy nhiên, hiện rất thiếu các bến để du khách có thể chuyển từ sông lên bờ một cách thuận lợi” - bà Nguyễn Thị Ngọc Loan chia sẻ.

Cùng chung nhận định này, Phó giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Tấn Lộc cho rằng, trong khai thác tuyến sông Đồng Nai hiện nay, điểm yếu nằm ở việc kết nối các loại hình giao thông. Do đó, ông Lộc lưu ý đơn vị tư vấn cần nghiên cứu phương án kết nối giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt và đường hàng không khi sân bay Biên Hòa sắp tới sẽ được khai thác lưỡng dụng. Kết nối các loại hình giao thông không chỉ phục vụ phát triển du lịch, đô thị mà còn phải phục vụ vận chuyển hàng hóa.

Đối với phương án phát triển các đô thị ven sông, ông Lộc cho rằng, đơn vị tư vấn cần nghiên cứu kỹ đặc điểm địa hình khu vực ven sông Đồng Nai đoạn chảy qua địa bàn tỉnh. “Khu vực các huyện ven sông Đồng Nai của H.Vĩnh Cửu kéo dài đến H.Nhơn Trạch là phù hợp để phát triển các đô thị ven sông bởi có địa hình phù hợp. Ngoài phát triển đô thị thì phương án phát triển giao thông kết nối cần phải nghiên cứu kỹ đặc điểm địa hình để có đề xuất phù hợp” - ông Huỳnh Tấn Lộc nêu ý kiến.

Theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, đối với phương án phát triển tuyến sông Đồng Nai, đơn vị tư vấn cần nghiên cứu phương án hài hòa, tự nhiên. Phát triển các đô thị cần kết hợp với các công viên ven sông. Trong kết nối vùng, cần có quy hoạch đồng bộ với các địa phương khác dọc tuyến sông. Đặc biệt, việc kết nối giao thông, nhất là giao thông thủy và hệ thống đường bộ để tạo ra mạng lưới hạ tầng giao thông đồng bộ.

Theo BaoDongNai

Bản Tin Novaland
Brochure Công ty
Download Brochure mới nhất của Novaland để hiểu rõ hơn về chúng tôi